Trải qua hơn 75 năm hình thành và phát triển, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay đã kế thừa những thành tựu, những truyền thống và giá trị tốt đẹp để tiếp tục vươn lên thành đại học trọng điểm, có uy tín đảm nhận trọng trách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho hệ thống y tế, đóng góp to lớn cho sự phát triển của hệ thống đào tạo nhân lực y tế của cả nước.
Đội ngũ Giảng viên và viên chức, người lao động
Đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hiện đã và đang phát huy vai trò đầu ngành về chuyên môn, có ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi của nhà trường mà còn trong nhiều cơ sở y tế khác. Đội ngũ giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên có tỉ lệ khoảng 98%, trong đó các giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ có tỉ lệ 37%.
Hiện nay, Trường có 1.559 giảng viên và cán bộ nhân viên (trong đó có 999 giảng viên với 9 giáo sư, 105 phó giáo sư, 247 tiến sĩ, 526 thạc sĩ, 61 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 31 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 20 đại học).
Giáo dục và đào tạo
Hiện nay, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo có quy mô lớn và có truyền thống của ngành y tế. Từ chỉ có 3 ngành y, dược, nha, hiện nay trường đã phát triển thêm tất cả các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khoẻ như bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ, các cử nhân ngành điều dưỡng, ngành hộ sinh, kỹ thuật y học, cử nhân y tế công cộng, với hàng chục chương trình bậc đại học, hàng trăm chương trình sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, nội trú).
+ Bậc đào tạo đại học: Đào tạo đầy đủ các chuyên ngành trong hệ sinh thái khoa học sức khỏe với 15 chương trình đào tạo đại học dựa trên chuẩn năng lực. Trong đó có 11 chương trình đào tạo đại học đạt kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn AUN-QA. Quy mô đào tạo hiện nay khoảng 15.000 sinh viên quy đổi/năm. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm trung bình mỗi năm đạt trên 90%.
+ Bậc đào tạo sau đại học: Đào tạo 168 chuyên ngành thuộc các loại hình đào tạo gồm: Bác sĩ nội trú (28 chuyên ngành), chuyên khoa cấp I (46 chuyên ngành), chuyên khoa cấp II (47 chuyên ngành), trình độ thạc sĩ (25 chuyên ngành), và trình độ tiến sĩ (22 chuyên ngành).
Từ năm 1976 đến nay: Có 34.808 học viên tốt nghiệp sau đại học (chuyên khoa cấp I: 19.814, chuyên khoa cấp II: 3620, Tiến sĩ: 688, Thạc sĩ: 8425, Bác sĩ nội trú: 2261.
+ Đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục: Đơn vị tiên phong và cung cấp các chương trình đào tạo có cấp chứng chỉ, chứng nhận.
Các học viên, sinh viên của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp đã trở thành nhân lực chủ yếu, các hạt nhân ở các cơ sở y tế, đã và đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong quản lý và chuyên môn của ngành y tế ở các tỉnh, thành phố phía nam, là lực lượng rất lớn đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nghiên cứu Khoa học
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tập trung trên các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu điều tra dịch tễ học và nghiên cứu ứng dụng, triển khai kỹ thuật mới, tiên tiến trong lĩnh vực khám chữa bệnh, phát triển sản xuất thuốc...
Tổng số lượng đề tài NCKH là 7.877 công trình, trong đó có 22 đề tài cấp quốc gia, 67 đề tài cấp Bộ, 115 đề tài cấp Thành phố và 7.673 đề tài cấp cơ sở.
Hội nghị khoa học kỹ thuật được tổ chức hàng năm, đến nay đã chạm mốc lần thứ 40; Hội nghị khoa học do các khoa hợp tác với các hội chuyên ngành hoặc các đối tác nước ngoài tổ chức định kỳ.
Hội nghị khoa học trẻ được trường tổ chức 2 năm một lần nhằm đẩy mạnh hoạt động NCKH trong sinh viên, giảng viên trẻ. Đến nay, Trường đã tổ chức 28 lần Hội nghị khoa học công nghệ Tuổi trẻ, tham gia 20 Hội nghị khoa học công nghệ Tuổi trẻ các trường Đại học và Cao đẳng Y, Dược Việt Nam.
Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh được xuất bản số đầu tiên vào tháng 10 năm 1996. Từ đó đến nay tạp chí đã xuất bản 27 tập với 6 số một năm. Tháng 3 năm 2017, tạp chí được cấp bổ sung giấy phép xuất bản thêm mỗi năm 4 số báo tiếng Anh (MedPharmRes). Ngày 6 tháng 3 năm 2024 tạp chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp lại giấy phép mới Số 52/GP-BTTTT với 2 loại hình in và điện tử cho 3 chuyên đề chính: Y học, Dược học và MedPharmRes (tiếng Anh). Kỳ hạn xuất bản là mỗi tháng một số đối với Y học và Dược học, và mỗi 3 tháng một số với MedPharmRes. Tạp chí được công nhận trong danh mục của Hội đồng giáo sư Nhà nước ngành Y. Nhiều bài báo đăng trong tạp chí đã và đang được dùng làm nguồn tham khảo cho các công trình nghiên cứu khoa học trong ngành y dược, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ y tế trong cả nước.
Với những kết quả đã đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học, thầy cô và sinh viên của trường đã được tặng thưởng: 111 kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ”, 29 giải xuất sắc và 248 giải nhất, nhì, ba tại các hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ toàn quốc, 01 Giải thưởng Tạ Quang Bửu, 04 giải thưởng Quả Cầu Vàng; 51 giải sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka; 27 đề tài được nhận giải thưởng VIFOTEC; và một số giải thưởng khoa học & công nghệ khác như giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam, giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh, …”
Phục vụ cộng đồng
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Trên cơ sở phòng khám đa khoa có giường lưu năm 1994, đến năm 2000, bệnh viện trường được thành lập mang tên Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (UMC) với hy vọng có một cơ sở thực hành của Đại học Y Dược và thực hiện công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân. Bệnh viện có đầy đủ các chuyên khoa sâu. Đội ngũ chuyên môn của Bệnh viện là những Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ đầu ngành, những người luôn tiên phong cập nhật những tiến bộ của y khoa trên thế giới và giàu kinh nghiệm trong thực hành điều trị cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại. Bệnh viện luôn tiếp cận nhanh và ứng dụng các thành tựu y học tiên tiến trên thế giới trong việc khám chữa bệnh. Từ ngày thành lập đến nay đã tiếp nhận và điều trị hơn 19 triệu lượt bệnh nhân.
Phòng khám Răng Hàm Mặt
Qui mô hơn 100 bộ ghế máy nha khoa hiện đại, với một khu vô trùng trung tâm theo tiêu chuẩn của Pháp, một trung tâm điều trị chất lượng cao thuộc chương trình trung tâm y tế chuyên sâu của Bộ Y tế. Hiện nay Khu điều trị khoa Răng Hàm Mặt hàng năm tiếp nhận trên 40.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tất cả các loại hình điều trị chuyên ngành răng hàm mặt, là nơi để sinh viên và học viên sau đại học răng hàm mặt thực tập khám và điều trị bệnh răng miệng cho bệnh nhân dưới sự hướng dẫn, giám sát của giảng viên các Bộ môn, đồng thời là nơi để các bác sĩ thuộc khoa Răng Hàm Mặt trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.
Trung tâm đào tạo nhân lực y tế theo nhu cầu xã hội
Trong những năm qua trung tâm đã tổ chức hàng trăm khóa học đào tạo liên tục ngắn hạn và chuyển giao kỹ thuật.
Năm học 2023 – 2024, Trung tâm cũng đã tổ chức được tổng cộng 360 lớp với số lượng học viên khoảng 30103 người, trong đó khoảng 140 lớp đào tạo cấp chứng chỉ, 220 chương trình cấp giấy chứng nhận.
Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học
Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng để đảm bảo chất lượng xét nghiệm ở các cơ sở y tế từ Đà Nẵng đến Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài ra Trung tâm còn tổ chức các khóa đào tạo liên tục để nâng cao chất lượng quản lý xét nghiệm và các khóa kỹ thuật xét nghiệm, tư vấn hỗ trợ và triển khai dịch vụ đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm theo QĐ số 2429/QĐ-BYT, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công bố trong và ngoài nước.
Phạm vi ảnh hưởng và tác động
Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò tích cực trong sự phát triển của hệ thống giáo dục y tế. Từ năm 1979, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh bắt đầu hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và cung cấp nhân lực cho việc thành lập và xây dựng khoa Y – Dược cho các cơ sở đào tạo khác như Học viện Quân y, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y Dược Cần Thơ, Khoa Y Đại học Tây Nguyên, Khoa Y Đại học Đà Nẵng, Khoa Y – Dược Đại học Quốc gia TPHCM, Khoa Y – Đại học Trà Vinh. Có thể nói Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã có vai trò tích cực và đáng kể trong sự hình thành, phát triển và lớn mạnh của hệ thống giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực y tế của nước ta hiện nay.
Hợp tác quốc tế
Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều công trình hợp tác quốc tế với các nước Nhật, Mỹ, Thụy Điển, Canada, Hà Lan, Úc, Singapore, Hàn quốc, Thái Lan….
Mục tiêu của dự án hợp tác với các đối tác quốc tế uy tín là hướng tới đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Điển hình là dự án MEF (hợp tác với Đại học Yonsei thông qua tài trợ của KOICA), dự án IMPACT-MED (hợp tác với Tổ chức BIDMC/HAIVN), dự án Phát triển đào tạo ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam (hợp tác với Tổ chức MCNV), …
Nhà trường không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các đơn vị trên thế giới. Hiện nay, trường có hơn 132 thỏa thuận hợp tác quốc tế còn hiệu lực với các trường đại học, tổ chức trên thế giới, các hội chuyên khoa, và các bệnh viện. Mỗi năm, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hàng trăm hội thảo khoa học quốc tế; các chương trình trao đổi sinh viên - giảng viên trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Các hoạt động này nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, hỗ trợ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Chương trình ký kết hợp tác đào tạo với Đại học Texas Tech El Paso được xem là mũi nhọn trong chương trình phát triển giảng viên, nâng cao năng lực giảng viên trong công tác đào tạo và xây dựng môi trường thực hành mô phỏng an toàn đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Chương trình này tạo điều kiện cho sinh viên thực hành nhiều lần.
Ngoài ra, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo sinh viên nước ngoài (Campuchia, Lào, Mông Cổ) trong các ngành Y, Dược, Răng Hàm Mặt ở bậc đại học hệ chính quy. Nhà trường mở rộng tiếp nhận sinh viên và học viên từ các nước Mỹ, Nhật, Úc, Canada, Đức, Áo, Thụy Điển, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia… đến thực tập ngắn hạn tại các khoa Y, Dược, Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Y tế công cộng, Y học cổ truyền và Bệnh viện ĐHYD.
Hoạt động hợp tác quốc tế của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh liên tục phát triển với mục đĩch đưa nhà trường hướng tới hội nhập toàn cầu trong hiện tại và trong tương lai.