TRUNG TÂM Y SINH HỌC PHÂN TỬ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Phòng Thí nghiệm Y sinh được thành lập năm 1997 với mục tiêu thực hiện các nghiên cứu cũng như các dịch vụ chẩn đoán kỹ thuật cao trong phòng thí nghiệm. Địa điểm đặt tại phòng thực tập của Bộ môn Mô Phôi - Di truyền, do GS.TS Phạm Hoàng Phiệt làm Trưởng Phòng, TS.BS Phạm Hùng Vân làm Phó trưởng Phòng và khoảng 15 nghiên cứu viên, chủ yếu là cán bộ giảng viên và kỹ thuật viên từ các bộ môn của trường.

Cuối năm 1999, Phòng Thí nghiệm Y sinh được tách làm 3 bộ phận: 

  • Sinh học Phân tử do GS Đỗ Đình Hồ làm tổ trưởng
  • Miễn dịch do GS Phạm Hoàng Phiệt làm tổ trưởng
  • Di truyền Phân tử do GS Trương Đình Kiệt làm tổ trưởng

Năm 2009, Ban Giám hiệu tổ chức lại Phòng Thí nghiệm Y sinh để đáp ứng nhiệm vụ của dự án TRIG (Tăng cường năng lực giảng dạy và nghiên cứu của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ toàn cầu hóa – Teaching and Research Innovation Grant), cử GS.TS Nguyễn Sào Trung làm Trưởng Phòng, TS Phạm Hùng Vân và ThS Đỗ Đại Hải làm Phó trưởng Phòng.

Trung tâm Y Sinh học Phân tử chính thức được thành lập vào ngày 18 tháng 4 năm 2011, theo Quyết định Số 399/QĐ-ĐHYD-TC, do PGS.TS Võ Tấn Sơn làm Giám đốc, TS Đỗ Thị Thanh Thủy và TS Hoàng Anh Vũ làm Phó giám đốc.

LÃNH ĐẠO

  • Giám đốc trung tâm: PGS.TS. Hoàng Anh Vũ
  • Phó Giám đốc trung tâm: PGS.TS. Đỗ Đức Minh

CHỨC NĂNG - NHIỆM VỤ

Nghiên cứu khoa học

Có khả năng vận dụng thành thạo các kỹ thuật và phương pháp sinh học phân tử để thực hiện các nghiên cứu y sinh học theo chuẩn mực quốc tế. Kết quả nghiên cứu có chất lượng, được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, từng bước hội nhập và tạo thêm uy tín cho Đại học Y Dược TP.HCM. Nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, tạo thêm sản phẩm mới ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhiều đối tượng trong xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

Giảng dạy

Kết hợp giảng dạy lý thuyết và thực hành thí nghiệm cho sinh viên đại học nhằm giúp sinh viên có căn bản vững chắc về sinh học phân tử để có thể hiểu rõ cơ chế phân tử của bệnh tật.
Phối hợp với các bộ môn lâm sàng để bổ sung kiến thức sinh học phân tử một cách thích hợp theo từng chuyên khoa cho các bác sĩ, tiến tới cập nhật và nâng cao khả năng vận dụng sinh học phân tử trong công tác điều trị, theo kịp tiến bộ của thế giới.

Mở các khóa huấn luyện để phổ biến kiến thức và kỹ thuật sinh học phân tử cơ bản trong nghiên cứu và ứng dụng như PCR, giải trình tự chuỗi DNA, FISH, hóa mô miễn dịch, Western blot, biến nạp và chuyển dạng tế bào,...

Ứng dụng

Có khả năng khai thác mọi dịch vụ xét nghiệm sinh học phân tử theo nhu cầu thực tế, giúp bác sĩ lâm sàng định hướng trong chỉ định xét nghiệm phù hợp. Là nơi huấn luyện các kỹ thuật sinh học phân tử thông dụng cho các phòng xét nghiệm khác, đồng thời cập nhật và triển khai các kỹ thuật mới phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân.

THÀNH TỰU NỔI BẬT

Trung tâm đã xây dựng được các nhóm nghiên cứu theo từng lĩnh vực, bao gồm ung thư, khoa học thần kinh và miễn dịch, bệnh di truyền và truyền nhiễm, tế bào gốc, dược chất tự nhiên, hệ gen học chức năng,… Mỗi nhóm đều có khả năng vừa hoạt động nghiên cứu độc lập vừa hỗ trợ nhau cùng thực hiện những đề tài nghiên cứu phối hợp.

Những nghiên cứu tiêu biểu đã và đang được tiến hành:

  • Khảo sát đột biến gen EGFR và KRAS trên bệnh nhân Việt Nam bị ung thư phổi không tế bào nhỏ.
  • Khảo sát đột biến gen RB trên bệnh nhân u nguyên bào võng mạc.
  • Khảo sát đột biến gen BCR/ABL gây kháng imatinib trên bệnh nhân bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML) bằng phương pháp giải trình tự chuỗi DNA.
  • U nguyên bào thần kinh nhóm nguy cơ cao ở trẻ em Việt Nam mang đột biến gen ARID1A/1B.
  • Động kinh và tự kỷ ở trẻ em Việt Nam mang đột biến gen SCN1A.
  • Nghiên cứu phát hiện đột biến gen yếu tố VIII gây bệnh Hemophilia A và chẩn đoán trước sinh cho các thai phụ mang kiểu gen dị hợp tử.
  • Nghiên cứu tác động của tính đa hình gen CYP2C19 và sự đề kháng kháng sinh trong trị liệu tiệt trừ Helicobacter pylori trên bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng đã điều trị thất bại.
  • Khảo sát đột biến Precore và Basal core promoter ở bệnh nhân viêm gan B mạn.
  • Sưu tầm các bài thuốc y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng để bảo tồn và sử dụng trong điều trị bệnh.
  • Nghiên cứu áp dụng quy trình xác định phức hợp kháng nguyên bạch cầu người (HLA) độ phân giải cao bằng phương pháp giải trình tự gen.

Các kết quả nghiên cứu được trình bày trong nhiều hội nghị chuyên ngành trong nước và quốc tế, đồng thời đang được ứng dụng vào công tác chẩn đoán và chăm sóc bệnh nhân tại nhiều bệnh viện đa khoa và chuyên sâu.

Trung tâm cũng đang có những bước hợp tác ban đầu với các cơ quan giáo dục và nghiên cứu quốc tế như Đại học Kent, Viện nghiên cứu bệnh gan Trieste, Viện nghiên cứu ung thư MD Anderson, Viện Nghiên cứu công nghệ trường đại học Queensland, Đại học Tsukuba, Đại học Y khoa Đài Bắc,…

Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập website cmb.ump.edu.vn

Tập thể Trung tâm Y sinh học phân tử

 

Trung tâm

Đại học Y Dược TP. HCM có 7 trung tâm.

Clip giới thiệu Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Video giới thiệu bộ nhận diện thương hiệu Đại học Y Dược TPHCM