Dược sĩ từ xa - Giải pháp hỗ trợ hữu hiệu y tế tại nhà
14/09/2021

(Chinhphu.vn) - Telepharmacy hay Dược sĩ từ xa là việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác hành nghề của Dược sĩ, nhằm tăng tiếp cận dịch vụ chăm sóc đến các vùng xa, vùng hẻo lánh cũng như hướng đến một số đối tượng bệnh nhân đặc biệt (bệnh nhân bị hạn chế đi lại, bệnh nhân cần tư vấn khẩn cấp,..).

Telepharmacy có thể giải quyết tình trạng thiếu dược sĩ bằng cách cho phép dược sĩ kiểm tra sử dụng thuốc, tư vấn và cung cấp kiến thức về thuốc cho bệnh nhân từ xa. Ảnh minh họa

Đại dịch COVID-19 bùng phát, tình trạng giãn cách xã hội, khiến người dân gặp khó khăn trong việc mua các loại thuốc điều trị bệnh mãn tính và nhất là nhu cầu cần được tư vấn sử dụng các loại thuốc dành cho người bệnh COVID-19 (F0) khi điều trị tại nhà. Vai trò của dược sĩ rất quan trọng trong thời điểm này để cùng với bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị bệnh, tư vấn dùng thuốc hợp lý – an toàn – hiệu quả.

Tư vấn thuốc cho từng người dân

Nhiều nước trên thế giới đã cho phép các dược sĩ kê đơn để duy trì các đơn thuốc điều trị bệnh mãn tính cho bệnh nhân (tiểu đường, tim mạch, huyết áp,..). Bên cạnh đó, Telepharmacy giúp giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa các cá nhân, tạo môi trường thoải mái để dược sĩ tư vấn cho bệnh nhân mà không có nguy cơ lây nhiễm virus. Dược sĩ từ xa tham gia chăm sóc, tư vấn bệnh nhân bị nhiễm bệnh, giúp họ dùng thuốc đúng cách, giúp giảm gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn trong cấp phát thuốc.

Nhiều nước đã đưa hoạt động này vào chính sách y tế như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Tây Ban Nha, Đan Mạch… nhằm tăng tiếp cận dịch vụ chăm sóc đến các vùng xa, hẻo lánh cũng như hướng đến một số đối tượng bệnh nhân đặc biệt (bệnh nhân bị hạn chế đi lại, bệnh nhân cần tư vấn khẩn cấp

Telepharmacy có thể giải quyết tình trạng thiếu dược sĩ bằng cách cho phép dược sĩ kiểm tra sử dụng thuốc, tư vấn và cung cấp kiến thức về thuốc cho bệnh nhân từ xa.

Các dược sĩ lâm sàng có thể tham gia xuyên suốt vào quá trình sử dụng thuốc của bệnh nhân, xử lý kịp thời các phản ứng có hại xảy ra ở bệnh nhân và các sai sót y tế góp phần giảm tỷ lệ nhập viện, do đó giảm chi phí nhập viện, giảm chi phí liên quan.

Đối với bệnh nhân, Telepharmacy giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại để được tư vấn về thuốc, đó là những rào cản lớn đối với người sống ở nông thôn, người cao tuổi và người khuyết tật.

Telepharmacy còn là một kênh thông tin về dược chính thống, tạo lòng tin trong bệnh nhân khi hiện nay có quá nhiều trang tin trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, cũng có những vấn đề đặt ra đối với Telepharmacy như việc bảo đảm quyền riêng tư và bảo mật các thông tin y tế của bệnh nhân cũng như vị trí việc làm thực tế của dược sĩ tham gia thực hiện Telepharmacy, loại công nghệ được sử dụng và vai trò của dược sĩ, kỹ thuật viên dược, y tá hoặc  các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác trong hệ thống phân phối thuốc.

Ở Việt Nam, Telepharmacy vẫn là khái niệm khá mới mẻ. Mặc dù Bộ Y tế đã cho phép ứng dụng y tế điện tử vào việc khám chữa bệnh nhưng hiện nay vẫn chưa có
dự án, chính sách nào quy định cụ thể về Telepharmacy. Tháng 11/2020 vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai, sử dụng “Mạng kết nối Y tế Việt Nam” nhằm tận dụng thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ thông minh trong kết nối, chia sẻ thông tin của ngành y tế.

Mức độ sẵn sàng ứng dụng Telepharmacy ở Việt Nam

Theo số liệu nghiên cứu của ThS. DS. Trương Văn Đạt và các cộng sự thực hiện khảo sát trên 414 dược sĩ tại TP. Hồ Chí Minh từ tháng 2/2021 đến tháng 7/2021. Kết quả  nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ dược sĩ có kiến thức, thái độ và hành vi đạt về ứng dụng Telepharmacy trong hành nghề dược lần lượt là 62,3%, 74,2% và 58,7%. Các dược sĩ đã có những nhận thức cơ bản về chức năng, vai trò và mức độ cần thiết của Telepharmacy trong hoạt động hành nghề Dược, đã được tiếp xúc với các phương tiện tư vấn sử dụng thuốc từ xa cho người bệnh hoặc phối hợp từ xa với các bác sĩ, nhân viên y tế khác qua các công cụ như điện thoại, zalo, zoom hay MS team, đặc biệt trong thời điểm đại dịch COVID-19 hiện nay, khi mà Chính phủ đang tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội.

Việc triển khai ứng dụng Telepharmacy là phù hợp với năng lực và nhu cầu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa của các dược sĩ; đặc biệt đối với các vùng sâu vùng xa hoặc các trường hợp đặc biệt như đại dịch COVID-19. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo kiến thức, kỹ năng cho các Dược sĩ, tổ chức một cách có hệ thống để Telepharmacy được ứng dụng một cách thống nhất, đồng bộ  và liên kết chặt chẽ với Telemedicine đã được triển khai.

Mỗi người dân đều có quyền được tiếp cận hệ thống y tế tốt nhất, bên cạnh đó được quyền hiểu và được tư vấn một cách “an toàn – hợp lý – hiệu quả” thuốc mà họ đang sử dụng. Trước thực trạng nguồn lực dược hạn chế, Telepharmacy là giải pháp hữu hiệu giải quyết bài toán khó này. Bên cạnh đó, Nghị định 131/NĐ-BYT ban hành ngày 02/11/2020 quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã “bật đèn xanh” cho việc đẩy mạnh công tác dược lâm sàng tại Bệnh viện và Telepharmacy là một lựa chọn tối ưu để thực thi chính sách này.

ThS. DS. Trương Văn Đạt

`Giảng viên Bộ môn Quản lý dược, Khoa Dược – Đại học Y Dược TP. HCM

Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP. Hồ Chí Minh

Nguồn: https://m.baochinhphu.vn/story.aspx?did=446359

Tin khác

Từ điểm nóng COVID-19 số 2, các chuyên gia tư vấn cách chăm sóc F0...

24/09/2021

SKĐS - Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 quận 8 TP. Hồ Chí Minh đang có 20 giường cấp cứu, 180 giường lưu bệnh, đây...