Sáng ngày 3/8/2023, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Bế mạc đợt đánh giá chương trình đào tạo lần thứ 339 của AUN-QA, đánh giá bốn chương trình đào tạo bao gồm chương trình Bác sỹ Y học Dự phòng, Cử nhân Phục hồi chức năng, Thạc sỹ Điều dưỡng, Thạc sỹ Y học cổ truyền. Trong ba ngày làm việc, các thành viên đoàn đã tham quan cơ sở vật chất, phỏng vấn lãnh đạo khoa, giảng viên, nhân viên hỗ trợ, sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng.
Tham dự Lễ Bế mạc, về phía AUN có GS.TS. Wyona C. Patalinghug - Trưởng đoàn Kiểm định viên và các kiểm định viên AUN; Về phía Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh có sự hiện diện của GS.TS.BS. Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS.BS. Ngô Quốc Đạt - Phó Hiệu trưởng phụ trách, PGS.TS. Trịnh Thị Diệu Thường - Trưởng Khoa Y học cổ truyền, PGS.TS. Nguyễn Văn Chinh - Trưởng Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng cùng các thầy cô là Trưởng/Phó các Phòng, Khoa, Trung tâm, các đơn vị thuộc và trực thuộc.
Chương trình Bác sĩ Y học Dự phòng là chương trình 6 năm đào tạo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng tự học, siêng năng, chính trực, có khả năng phối hợp để phục vụ cộng đồng. Người học được cung cấp kiến thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu xã hội, có khả năng phân tích các vấn đề sức khỏe, phát triển và thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe trong môi trường đa dạng về văn hóa, triển khai và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu cũng như các chính sách nâng cao và bảo vệ sức khỏe, giảm hoặc ngăn ngừa và kiểm soát sự tiến triển của bệnh, theo dõi các vấn đề sức khỏe, xác định nhu cầu sức khỏe và đánh giá các dịch vụ y tế.
Chương trình Cử nhân Phục hồi chức năng là chương trình 4 năm, cung cấp nguồn nhân lực về Phục hồi chức năng, trong đó có các cử nhân Vật lý trị liệu có y đức, có kiến thức khoa học cơ bản y khoa phù hợp, có kỹ năng vật lý trị liệu và khả năng học tập suốt đời nhằm cống hiến cho sức khoẻ cộng đồng. Năm 2019, với sự hỗ trợ từ Liên đoàn Vật lý trị liệu thế giới, dự án ADAPTIVE (Nâng cao Vật lý trị liệu tại Việt Nam) đã được triển khai với mục tiêu nâng cao chương trình giáo dục Vật lý trị liệu đáp ứng yêu cầu nhận diện quốc tế. Đây là một chương trình tiên tiến, được rà soát và cải tiến hàng năm với sự phối hợp và hỗ trợ của Hội Vật lý trị liệu Thế giới và nhiều hoạt động hợp tác với các trường đại học từ Bỉ, Úc, Pháp, Nhật.
Chương trình Thạc sỹ Điều dưỡng bắt đầu tuyển sinh từ năm 2007. Chương trình đổi mới được xây dựng dựa trên triết lý giáo dục lấy người học làm trung tâm và thuyết kiến tạo, chú trọng tự định hướng học tập suốt đời để hoàn thiện năng lực cá nhân, nâng cao khả năng thích nghi với sự thay đổi của môi trường làm việc và xây dựng hình ảnh điều dưỡng chuyên nghiệp. Trong hai năm học, học viên được bổ sung, cập nhật và nâng cao kiến thức khoa học chăm sóc, kỹ năng chuyên ngành, lãnh đạo quản lý và nghiên cứu điều dưỡng để áp dụng vào hoạt động thực tế nghề nghiệp. Bên cạnh các đội ngũ giảng viên của Trường, chương trình có sự tham gia đào tạo của nhóm giảng viên của hội Nhịp cầu Thân hữu tại Hoa Kỳ.
Chương trình Thạc sĩ Y học cổ truyền là chương trình sau đại học hai năm, kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại. Sau tốt nghiệp, học viên đạt được các năng lực chuyên môn đáp ứng chuẩn đầu ra, có y đức, kiến thức và kỹ năng y tế chuyên nghiệp, có khả năng xác định, đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề sức khỏe, nghiên cứu khoa học, tự học và học tập suốt đời để nâng cao trình độ và phát triển nghề nghiệp.
Bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo là chủ trương quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm bảo đảm và liên tục cải tiến chất lượng đào tạo. Từ năm 2021, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm định 2 chương trình đào tạo trình độ đại học theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo, 8 chương trình đào tạo trình độ đại học và 2 chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA.
Hiện nay, Việt Nam có 3 trong số 30 thành viên chính thức, và 50 trong tổng số 149 thành viên liên kết của AUN. Về hoạt động đánh giá chương trình đào tạo, tính đến tháng 8 năm 2023, AUN-QA đã thực hiện 339 đợt đánh giá tại 107 cơ sở giáo dục đại học trong mạng lưới đại học ASEAN với tổng số 1099 chương trình đào tạo, trong đó có 76 đợt đánh giá ở Việt Nam với tổng số 304 chương trình đào tạo.
Một số hình ảnh tại Lễ Bế mạc:
Chiều ngày 20/12/2024, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức buổi lễ Khai giảng Sau Đại học cho các...