(Chinhphu.vn) - Năm 1970, thuật ngữ Telemedicine (khám bệnh từ xa) ra đời nhằm mô tả cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân từ xa thông qua hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin. Tại Việt Nam, Telemedicine đang có cơ hội để phát triển, nhưng còn không ít rào cản, cần những giải pháp để có thể phát huy hiệu quả trong thực tế để phục vụ tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe người dân.
|
Telemedicine được ứng dụng nhiều trong nhiều lĩnh vực y tế như teleradiology (chuẩn đoán hình ảnh X-quang từ xa), telepathology (bệnh lý học từ xa), telepsychiatry (giải pháp các bệnh tâm thần từ xa), teledermatology (giải pháp các bệnh về da từ xa), teleopthamology (giải pháp các bệnh về mắt từ xa), telenerphrology (giải pháp cho bệnh về thận từ xa), telehabilitation (giải pháp phục hồi chức năng từ xa), telesurgery (giải pháp phẫu thuật từ xa), telecardiology (giải pháp các bệnh tim mạch từ xa)… Các ứng dụng Telemedicine được chia làm 3 loại dựa trên thời gian của thông tin được truyền và sự tương tác giữa các cá nhân liên quan với nhau, có thể là giữa chuyên gia y tế với chuyên gia y tế hoặc giữa chuyên gia y tế với bệnh nhân. Loại thứ nhất, việc lưu giữ, trao đổi dữ liệu của bệnh nhân của hai hay nhiều cá nhân ở những thời điểm khác nhau. Ví dụ bệnh nhân hoặc chuyên gia y tế gửi tài liệu về một ca lâm sàng cho một chuyên gia y tế khác, sau đó người này sẽ gởi lại ý kiến về chẩn đoán, điều trị về ca lâm sàng này. Loại thứ hai, Telemedicine yêu cầu các cá nhân liên quan phải có mặt đồng thời để trao đổi thông tin ngay lập tức, ví dụ hội chẩn, phẫu thuật trực tiếp qua cầu truyền hình. Loại thứ ba, tạo kho lưu trữ dữ liệu thông tin của bệnh nhân, các pháp đồ điều trị, kiến thức và kỹ thuật để ứng dụng cho việc đào tạo từ xa cho các bệnh viện tuyến dưới. Nhu cầu ngày càng cao trong đại dịch Ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Telemedicine đã được sử dụng từ lâu trong việc khám chữa bệnh cho những bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa – nơi xa các bệnh viện có đội ngũ y, bác sĩ giỏi. Hiện nay, Mỹ là nơi ghi nhận có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới thì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa như Telemedicine đang là biện pháp hữu hiệu giúp hạn chế lây nhiễm chéo COVID-19 và bảo toàn nguồn lực y tế dự phòng. Hai tổ chức y tế uy tín hàng đầu nước Mỹ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC), đã sớm triển khai nhiều biện pháp. Từ đầu tháng 2/2020, CDC đưa ra những hướng dẫn về việc sử dụng Telemedicine khi COVID-19 chưa có chuyển biến quá phức tạp; hay khuyến khích các nhà cung cấp y tế và bảo hiểm của nước này nên bổ sung loại hình chăm sóc sức khỏe từ xa vào các dịch vụ cung ứng. Mặt khác, FDA cho phép các nhà cung cấp dịch vụ được truy cập thiết bị chăm sóc sức khỏe như máy đo nhịp tim, huyết áp… để kiểm tra tình hình bệnh nhân từ xa. Ở những quốc gia đang phát triển, nhu cầu sử dụng Telemedicine có thể nói còn cao hơn các nước phát triển khi mà số lượng bác sĩ chưa đủ so với dân số tương ứng, vùng nông thôn còn thiếu bác sĩ chuyên khoa và sự hỗ trợ trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mặc dù Telemedicine với chi phí thấp đã được chứng minh là khả thi, hữu ích về mặt lâm sàng, bền vững và có thể mở rộng trong cộng đồng, nhưng các ứng dụng này không được áp dụng ở quy mô lớn do nhiều rào cản khác nhau. Báo cáo về eHealth của WHO (2010) cho biết ở các nước đang phát triển, Telemedicine có khả năng đáp ứng các nhu cầu và tác động tích cực đến dịch vụ y tế. Nó có thể mang lại những lợi ích đầy hứa hẹn trong các lĩnh vực khác nhau. Ở Ấn Độ, Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin thí điểm dự án tạo ra phần mềm có tên là Cameron Sanjeevani. Phần mềm này cho phép các bác sĩ tìm kiếm thông tin liên quan từ cơ sở dữ liệu hồ sơ điện tử của bệnh nhân (EPR) và hỏi ý kiến thứ hai từ các chuyên gia khác. Ví dụ điển hình cho những lợi ích của Telemedicine là chương trình Telemedicine để hỗ trợ sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Mông Cổ. Chương trình hỗ trợ tư vấn các yếu tố nguy cơ khi mang thai, chuẩn đoán siêu âm trước sinh, theo dõi thai nhi và sàng lọc các bất thường cổ tử cung bằng cách soi cổ tử cung. Chương trình này có ý nghĩa quan trọng đối với phụ nữ ở vùng nông thôn hẻo lánh, những người không có đủ kinh tế để đến các bệnh viện trung tâm để thăm khám sức khỏe. Chương trình tạo điều kiện học hỏi lẫn nhau của các nhân viên y tế, góp phần nâng cao tay nghề của nhân viên y tế ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, chương trình còn gặp những khó khăn về việc thiếu các thiết bị công nghệ thông tin, chuyên gia công nghệ thông tin và kĩ sư y tế; đường truyền internet ở nông thôn không ổn định hoặc không có đường truyền; một số nhân viên y tế không muốn tiếp thu các công nghệ mới. Cơ hội của ngành y tế COVID-19 tạo ra thách thức ngành y tế phải chuyển mình thay đổi theo hướng số hoá và Telemedicine là một giải pháp hàng đầu cho việc này. Chính phủ, Bộ Y tế đã có rất nhiều chỉ đạo và ban hành chính sách về việc đẩy mạnh Telemedicine. Telemedicine có thể tăng cường tính sẵn có của dịch vụ, mang lại hiệu quả về chi phí và thời gian cho bệnh nhân bằng cách chẩn đoán/ kiểm tra từ xa, cũng như tạo ra một nguồn dữ liệu về thông tin bệnh nhân. Bộ lưu trữ cơ sở đám mây sẽ giúp chia sẻ kiến thức và đào tạo từ xa dễ dàng hơn. Tính sẵn có của dịch vụ chăm sóc cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc hiệu quả cho bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa và giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện đô thị. Telemedicine giúp người bệnh không cần chờ đợi lâu, không phải hoãn lịch trình cá nhân hay bối rối khi xin nghỉ làm, nghỉ học để đi khám bệnh. Người bệnh có thể được tư vấn khám bệnh online mọi lúc mọi nơi 24/24, dễ dàng và nhanh chóng. Chi phí tư vấn thông qua Telemedicine rẻ hơn nhiều so với khám trực tiếp tại bệnh viện. Người bệnh dễ dàng được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa giỏi, uy tín ở các bệnh viện trung ương, bệnh viện chuyên khoa sâu, đồng thời tăng tương tác giữa bác sĩ và bệnh nhân. Sử dụng Telemedicine cũng giúp hạn chế lây nhiễm chéo từ các nguồn lây lan trong quá trình đi khám tại bệnh viện. Đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 hiện nay, nhu cầu sử dụng Telemedicine của người dân tăng cao đột biến. Họ hạn chế đến các cơ sở y tế truyền thống vì lo lắng lây nhiễm cũng như do sự hạn chế đi lại và cách ly xã hội. Sử dụng Telemedicine còn nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến tỉnh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện tỉnh, không phải lên tuyến trên. Các bác sĩ có thể tường thuật trực tiếp các trường hợp mổ hở, mổ nội soi đến bất kì nơi nào. Trong trường hợp xảy ra tai biến, hội đồng chuyên gia ngay lập tức có thể hội chẩn nhanh chóng, can thiệp và hướng dẫn kíp mổ xử lý biến cố kịp thời. Telemedicine cho phép lưu trữ dữ liệu hình ảnh, lưu video tại chỗ, dẫn truyền tín hiệu hình ảnh âm thanh hai chiều trực tiếp từ phòng mổ ra các phòng hội thảo khắp nơi trên thế giới... nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật mổ tân tiến và thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học. Nhìn chung, những lợi ích có thể nhìn thấy từ chính Telemedicine sẽ là một yếu tố quan trọng khuyến khích việc áp dụng tại Việt Nam. Còn nhiều rào cản Tuy vậy, đa số người dân Việt Nam chưa biết về Telemedicine. Sự thiếu kiến thức, hướng dẫn, khung quy định khiến nhiều người không tin tưởng vào những ứng dụng này. Người dân Việt Nam đa số sống ở vùng nông thôn nên sẽ có nhiều hạn chế trong việc sử dụng các ứng dụng Telemedicine trên điện thoại cũng như sử dụng tài khoản ngân hàng điện tử (Internet banking) hoặc ví điện tử để trả phí tư vấn. Đồng thời nhiều vùng nông thôn Việt Nam hiện vẫn chưa có mạng internet – yếu tố thúc đẩy sử dụng Telemedicine. Telemedicine chỉ tư vấn khám và theo dõi quá trình điều trị của bệnh nhân chứ không chưa được phép kê đơn, chỉ kê đơn khi được thăm khám trực tiếp theo quy định hiện hành. Đa phần các chính sách hiện nay mới chỉ liên quan hội chẩn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám, chữa bệnh thông qua Telemedicine nhưng chưa có chính sách nào bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm cho bác sĩ và bệnh nhân khi tư vấn khám chữa bệnh bằng các ứng dụng Telemedicine. Điều này làm người bệnh e ngại rằng liệu khám bệnh từ xa có đảm bảo được chẩn đoán, điều trị tốt như khi khi khám bệnh truyền thống hay không. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện chuyển tuyến tại bệnh viện tuyến dưới chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, danh mục trang thiết bị cần bổ sung phục vụ việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện trung ương. Chi phí của những thiết bị phục vụ cho ứng dụng Telemedicine ở trong bệnh viện khá đắt. Cần các giải pháp đồng bộ Để có thể ứng dụng tốt Telemedicine tại Việt Nam, cần thực hiện khảo sát, đánh giá năng lực, trình độ, nhu cầu đào tạo, cơ cấu tổ chức và nhân lực của bệnh viện theo chuyên khoa để lập kế hoạch đào tạo và tư vấn về hoàn thiện cơ cấu tổ chức phù hợp cho bệnh viện. Tổ chức chuyển giao các gói kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới. Sau khi chuyển giao kỹ thuật phải bảo đảm cho bệnh viện tự thực hiện được các kỹ thuật đã chuyển giao và đánh giá hiệu quả chuyển giao, tiếp nhận các gói kĩ thuật. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng phần mềm tin học ứng dụng. Trên cơ sở Đề án tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (Telemedicine) của Bộ Y tế, xây dựng và triển khai Dự án Telemedicine của bệnh viện để kết nối với các bệnh viện tham gia Đề án nhằm trao đổi thông tin (bao gồm cả thông tin chuyển tuyến), đào tạo, hội chẩn, tư vấn chuyên môn giữa các bệnh viện, kết nối trong nước và nước ngoài. Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất và cung ứng đủ trang thiết bị thiết yếu theo các chuyên khoa cho các bệnh viện. Xây dựng, hoàn thiện các quy định về phân tuyến kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, chuyển tuyến, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa qua hệ thống Telemedicine. Xây dựng chính sách thu hút cán bộ nhằm tăng cường nhân lực chuyên môn cho tuyến dưới. Tăng cường truyền thông về Telemedicine đến mọi người nhằm tạo niềm tin trong lòng người dân. Xây dựng chính sách bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm của bác sĩ và người bệnh khi tư vấn khám bệnh qua các ứng dụng Telemedicine trên điện thoại. Xây dựng hệ thống mạng cục bộ LAN, mạng diện rộng WAN, mạng internet, đảm bảo đường truyền, đường thoại kỹ thuật số, cáp quang ổn định. ThS Trương Văn Đạt |
Link bài: https://baochinhphu.vn/Suc-khoe/Telemedicine-Tu-the-gioi-nhin-ve-Viet-Nam/441159.vgp
Chiều ngày 20/12/2024, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức buổi lễ Khai giảng Sau Đại học cho các...