Những hình ảnh tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 4 mà bác sĩ Phương Loan biết mình sẽ khó thể nào quên - Ảnh: P.LOAN
Dưới đây là những chia sẻ từ bác sĩ phụ sản Bùi Thị Phương Loan, hiện công tác tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 4.
Thấy bệnh nhi càng hồn nhiên, trái tim càng quặn thắt
Tự nguyện lên đường chống dịch theo lời kêu gọi của Sở Y tế TP.HCM từ ngày 10-7, bác sĩ Phương Loan nhớ lại thời điểm đó mọi thứ đều rất gấp rút nên bản thân chưa kịp chuẩn bị gì cho bản thân lẫn gia đình.
"Rất may mắn là tôi có ông xã ở nhà chu toàn kịp thời mọi thứ chứ thời điểm đó việc mua thực phẩm khá khó khăn, và tôi cũng chưa kịp chia sẻ gì trọn vẹn với các con", bác sĩ Phương Loan bộc bạch.
"Đóng quân" ở một ngôi trường tiểu học tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM), bác sĩ Phương Loan cùng đội ngũ y bác sĩ tại đây phụ trách một khu chung cư lớn cách đó 400m.
"Các nhân viên y tế tại đây đều phải ở khu riêng, không được về nhà từ ngày đầu đến giờ vì chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều F0", nữ bác sĩ cho biết.
Nói về một trong những hình ảnh khó quên, bác sĩ Phương Loan không chia sẻ về những nhọc nhằn trong hành trình chống dịch mà lại kể về những đứa trẻ.
Chị lẫn các đồng nghiệp đều không kìm được nước mắt mỗi khi thấy các bệnh nhi 2 tuổi, 3 tuổi, 5 tuổi... đứa thì vô tư lon ton chạy, đứa hớn hở rượt đuổi loanh quanh trong bộ quần áo bảo hộ y tế thùng thình ngày nhập viện.
Sự vô tư, hồn nhiên không biết chuỗi ngày sắp tới đầy thử thách ở lũ trẻ khiến ai nấy xót xa.
Phần cơm dọn ra mới đoán được mấy giờ
Do nơi ở vốn là một trường tiểu học nên các y bác sĩ phải tự dọn dẹp, bưng bê bàn ghế và lau chùi vệ sinh mọi thứ trong những ngày đầu dọn đến.
"Công việc hằng ngày của tôi là làm hồ sơ bệnh án, lấy mẫu, nhập số liệu, theo dõi và chăm sóc cho đến khi bệnh nhân xuất viện. Nói chung khối lượng công việc nhiều hơn hẳn so với những lần trước chỉ đơn thuần đi chích ngừa", chị Phương Loan kể.
Do phải làm việc không ngơi tay 24/7 bất kể ngày đêm nên hầu như các nhân viên y tế tại đây đều quên mất khái niệm thời gian, đến khi thấy phần cơm được đem đến mới lờ mờ đoán được là mấy giờ.
Do điều kiện ít nhiều hạn chế của bệnh viện thu dung, các y bác sĩ thường phải nỗ lực gấp đôi trước những ca bệnh diễn tiến nặng và nhanh.
Chẳng hạn một bệnh nhân COVID-19 trở nặng tại khu không có bác sĩ chuyên khoa hô hấp thì mọi người phải cố hết sức liên lạc và điều bác sĩ phù hợp từ nơi khác chạy qua, có khi lại phải tận dụng việc bật điện thoại video để xem diễn biến tình hình ca bệnh hay tham gia cố vấn trong những lần bệnh nhân trở nặng giữa đêm khuya...
Có lẽ những xúc cảm trên càng rõ nét khi chị cũng chính là một người mẹ. Chị nói hai đứa con ở nhà một đã 14 tuổi, còn một mới lên 7 tuổi.
Đang tâm sự, giọng chị đột ngột đứt quãng, rơi vào khoảng không khi nhắc về những lần điện thoại về nhà và đứa con trai 7 tuổi giành máy. "Con hay hỏi tôi chừng nào mẹ về, rồi mẹ đừng bị nhiễm COVID nha, rồi sao mẹ nói mẹ sẽ về mà chưa về...
Mỗi lần thấy con chảy nước mắt và hỏi như vậy là tôi lại nghẹn ngào, chẳng dám nhìn vào màn hình điện thoại nữa. Thằng bé vốn rất quấn hơi mẹ. Nhớ con da diết nhưng tôi sợ những cuộc gọi video với con, sợ lắm, chỉ muốn tắt ngay đi...", bác sĩ Phương Loan bật khóc.
"Có một lần chúng tôi điều trị cho hoàn cảnh khá thương tâm. Hai đứa trẻ bị dương tính với COVID-19 phải nhập viện, người mẹ không bị nhiễm nhưng xin vào chăm con và sau đó lại bị dính bệnh rồi trở nặng.
Chúng tôi vừa cố gắng hết sức để điều trị, hỗ trợ thở cho người mẹ và vừa liên lạc khắp nơi để xin chuyển viện. Khi bệnh nhân được chuyển viện thành công thì chúng tôi ai nấy đều hạnh phúc, những nhọc nhằn như vơi đi hẳn...", bác sĩ Phương Loan nhớ lại.
Công Nhật - TTO
Chiều ngày 20/12/2024, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức buổi lễ Khai giảng Sau Đại học cho các...