Khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, họ mang theo mình những hoài bão, lý tưởng tốt đẹp để làm nên những việc có ích cho cộng đồng, xã hội. Dù mỗi người có cách làm, cách thể hiện khác nhau, phụ thuộc vào từng vị trí công việc, ngành nghề nhưng tựu trung, những điều ấy đã và đang góp phần lan tỏa tinh thần vì một thành phố sáng tạo.
Đầu tàu của công nhân
Trên đường dẫn chúng tôi đi tham quan, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, Bí thư Chi bộ kiêm Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TPHCM), khoe những chậu cây xanh mơn mởn được đặt khắp nơi trong nhà máy. Phong trào trồng cây được chị Mỹ Linh khởi xướng và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đảng viên trong chi bộ, nên giờ cây xanh đã phủ kín khuôn viên nhà máy, giúp môi trường làm việc xanh mát, thân thiện hơn. Riêng CLB nữ công dành cho công nhân do chị Linh thành lập, đã giúp nhiều nữ công nhân có thêm nghề tay trái và kiếm được thu nhập tăng thêm.
Xuất thân từ công nhân trực tiếp sản xuất, với chí cầu tiến, chị Mỹ Linh vừa làm vừa nỗ lực học tập để tốt nghiệp Trường Đại học Luật TPHCM. Cũng bởi gần gũi người lao động nên chị Linh hiểu anh chị em công nhân cần gì, từ đó có những đề xuất thấu tình đạt lý.
Không chỉ góp ý, đấu tranh để môi trường làm việc của người lao động ngày càng được cải thiện một cách an toàn hơn, nhờ lắng nghe tâm tư của công nhân, chị Linh đã có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực và ngày càng nâng cao các phúc lợi cho đoàn viên, người lao động. Chính từ những việc làm thiết thực vì công nhân, chị Linh nhận được sự tin tưởng, đồng hành của người lao động.
Với vị trí bí thư chi bộ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chị Linh hiểu những khó khăn của đảng viên trong mọi hoạt động. Vì thế, chị luôn nghĩ cách và tìm giải pháp để chủ doanh nghiệp có thể đồng hành cùng các đảng viên. Tại Công ty TNHH Juki Việt Nam có phong trào sáng kiến, sáng tạo, vậy là chị cùng các đảng viên thành lập nhóm để thực hiện sáng kiến cải tiến chất lượng nhằm giảm giá thành, tăng năng suất.
Không chỉ được đánh giá cao tại Việt Nam, sáng kiến còn được đưa sang Nhật Bản để dự thi trong toàn Tập đoàn Juki. Kết quả, nhóm chị Linh đạt giải xuất sắc về cải tiến, tăng năng suất sản phẩm, giảm thiểu tối đa sản phẩm lỗi. Sau thành công ấy, chi bộ được chủ doanh nghiệp đánh giá cao và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động, sinh hoạt, hội họp ngay trong công ty. Chị Linh cũng được điều chuyển từ công nhân trực tiếp sản xuất sang vị trí trưởng nhóm.
“Khi mình làm được những việc mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, công nhân thì sẽ nhận được sự đồng hành của chủ doanh nghiệp. Nên trong mọi hoạt động, tôi và các đảng viên đều cùng nghĩ đến lợi ích của tập thể công nhân. Từ đó dành hết sức mà làm”, chị Linh chia sẻ. Cũng với sự gần gũi người lao động, chị Linh khéo léo quan tâm, giúp đỡ, bồi dưỡng đạo đức, chính trị, nhờ đó nhiều công nhân đã trở thành đồng chí của chị.
Người thầy nhiệt huyết
Trước đây, Trạm Y tế xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TPHCM) thi thoảng mới có người bệnh lặt vặt tới thăm khám, thì nay số lượng bệnh nhân đã đông hơn rất nhiều. Để làm được điều đó, thầy trò trường ĐH Y Dược TPHCM phải xoay đủ thứ để kéo người dân về trạm y tế bằng dự án “Trạm y tế kiểu mẫu”.
Thạc sĩ - dược sĩ Trương Văn Đạt (giảng viên ĐH Y Dược TPHCM) - người lên ý tưởng và trực tiếp thực hiện cho biết, “Trạm y tế kiểu mẫu” được hình thành trên tinh thần xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình và nhằm “chia lửa” với các bệnh viện tuyến trên đang quá tải.
“Trạm y tế kiểu mẫu” được trang bị vườn thuốc nam với nhiều giống cây được ghi rõ tên gọi, công dụng và kèm theo đó là cẩm nang hướng dẫn sử dụng. Trạm y tế còn được trang bị tủ thuốc với hơn 100 loại thuốc thiết yếu nhằm hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; 200 chai dịch truyền và nhiều thiết bị hỗ trợ khác.
Đó chỉ là một trong rất nhiều mô hình mà thầy Trương Văn Đạt xây dựng để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sinh viên trong trường có môi trường rèn luyện. Thầy Đạt cho biết, bản thân là một đảng viên trẻ, dù công việc chuyên môn đã đủ mệt, nhưng khi được tín nhiệm bầu làm bí thư Đoàn trường, Trưởng phòng Công tác sinh viên thì máu làm phong trào của thầy như được phát huy hiệu quả, luôn mãnh liệt, căng tràn.
Dưới sự dẫn dắt của thầy Đạt, nhiều hoạt động giúp sinh viên thực tập, cọ xát với nghề. “Tiếp xúc và hiểu được cuộc sống của người dân cũng là cách để các em rèn luyện y đức”.
Cứ vài tháng, thầy Đạt lại đưa học trò về vùng sâu vùng xa để khám bệnh cho người nghèo. Nhờ vậy mà hàng ngàn sinh viên luôn coi các hoạt động tình nguyện, nhất là hoạt động gắn với chuyên môn, vì sức khoẻ cộng đồng là hành trang không thể thiếu để bước vào nghề.
Thầy Đạt trải lòng: “Riêng các hoạt động của Đoàn trường phải thực sự thiết thực, mang đến lợi ích cho người dân. Thời đại công nghiệp 4.0 rồi, không thể nào chỉ nói suông, chơi suông được”.
Các hoạt động của thầy giáo trẻ có thể kể đến là hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa trong nước và các nước láng giềng; đề án “Chuyến xe tri thức - Chuyện thầm kín, bạn hỏi, bác sĩ trả lời” đã tư vấn tâm lý, sức khỏe sinh sản cho 15.000 sinh viên ở TPHCM; tặng người dân tủ thuốc gia đình; xây dựng và tặng vườn cây thuốc nam cho các trạm y tế; xây dựng và thực hiện đề án chăm sóc y tế cho 10.000 người dân và đề án “Trạm y tế kiểu mẫu”…
Ngoài ra, với vai trò người thầy, thủ lĩnh đoàn thanh niên, thầy Đạt còn tổ chức nhiều chương trình hữu ích khác. Ở bất cứ vai trò nào, thầy Đạt không chỉ cố gắng làm tròn mà còn đặt mục tiêu hoàn thành cao. Đó là cách mà đảng viên trẻ Trương Văn Đạt làm gương cho nhiều thế hệ đoàn viên.
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng Online.
Chiều ngày 20/12/2024, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức buổi lễ Khai giảng Sau Đại học cho các...